3 Nguyên nhân cây Mai xanh không ra bông và bí kíp kích hoa

cay-hoa-mai-xanh
3 Nguyên nhân cây Mai xanh không ra bông và bí kíp kích hoa
Nếu cây Mai xanh đến tuổi hoa nhưng vẫn không ra hoa thì có 3 nguyên nhân chính:
1. Thiếu nắng: Mai xanh là loại cây ưa nắng nên nếu cây thiếu nắng thì đọt cây vọt dài nhưng không ra hoa. Cần đặt cây Mai xanh tại vị trí thoáng, có nắng trực diện nếu như trồng chậu và phát quang các cây xung quanh nếu như trồng dưới đất.
2. Thiếu dinh dưỡng: cây Mai xanh không cần quá nhiều phân nhưng vẫn cần bổ xung đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Bón định kỳ 4 tháng / 1 lần bằng phân vi sinh, phân chuồng, phân đầu trâu, lân bột.
3. Chăm quá tốt: Cây thừa dĩnh dưỡng cũng là nguyên nhân dẫn tới cây Mai xanh không ra hoa mà chỉ đâm đọt và lá sum suê. Có thể khắc phục bằng cách: xiết nước (không tưới nước), lặt lá. Hoặc xới rễ vòng quanh gốc, đánh rạch tròn rồi lấp đất lại. Hoặc nếu 2 cách trên không hiệu quả thì tiễn cây Mai xanh bằng cách dùng dao khoanh tròn dưới gốc cây, khoanh sâu nhưng không tách vỏ.

CÁCH ÉP HOA RA THEO Ý MUỐN
Thực hiện ép cây Mai xanh trước 1 tháng với thời điểm mình mong muốn cây ra hoa.
Thời gian ép hoa có 2 tuần xiết nước và 2 tuần lặt lá.
1. Không tưới nước để cằn cây, khô cây khoảng 2 tuần. Nhưng quá trình khô cây không được để lá héo. Trong 2 tuần đó vẫn phải châm nước khoảng 3 ngày châm 1 xíu nước để duy trì cho cây sự sống, để cằn cây lại.
2. Quá trình cằn cây 2 tuần thì tiến hành lặt hết lá trên cây. Sau 2 tuần lặt lá thì cây nảy chồi bông.
3. Sau khi lặt lá sẽ tưới nước đều lại nhưng không tưới nhiều. Cây cằn thì bông mới ra nhiều, cây sung quá thì đọt lá phát triển sẽ ít bông. Không tưới đẫm nước ngay mà tưới từ từ. Ví dụ sau khi lặt lá được 3-4 ngày thì tưới 1 cốc nước nhỏ. 2 ngày sau lại tưới nhiều hơn khoảng 2 cốc nước, 2 ngày tiếp theo lại tưới nhiều hơn. Cứ tăng dần cho đến khi lượng nước vừa đủ cho cây.
Lưu ý: Khi xiết nước phải đảm báo lá trên cây đều già hết hoặc 70% chuyển sang lá bánh tẻ, nếu cây ra đọt non nhiều mà xiết nước thì cây dễ chết. Lặt lá xong có thể bổ xung phân hữu cơ và tưới thêm phân lân bột hoặc NPK có hàm lượng lân và kali cao để bông được nhiều và đẹp hơn, lưu ý: tưới loãng, và xa gốc.
Nhà Vườn Khánh Võ