Cây Hồng Phụng cổ thụ Khánh Võ.
Với sắc màu tím quyến rũ, dáng cây đẹp, khả năng ra hoa rộ và cực kỳ siêng hoa, Hồng Phụng là cây cảnh công trình tuyệt vời, đáng lựa chọn trồng trang trí khuôn viên, sân vườn.
Tên khoa học: Loropetalum chinense
Họ thực vật: Hamamelidaceae (Kim Mai hay còn gọi là Kim Lũ Mai)
Tên thường gọi: Hồng Phụng
Tên gọi khác: Hồng Phượng, Huyết Phụng, Kim Mai Đỏ,…
Tên tiếng Anh: Chinese Fringe Flower
Nguồn gốc: Đây là loại cây bản địa của Nhật Bản, Trung Quốc và vùng Hy Mã Lạp Sơn (dãy núi Himalaya).
Thân cây: Hồng Phụng thuộc dòng cây thân gỗ thấp, sống lâu năm, có chiều cao từ 1 – 3m. Thân cây Hồng Phụng có nhiều cành nhánh, thân non có màu tím, bề mặt có lông mịn. Khi già cành Hồng Phụng sẽ chuyển sang màu xám giống thân cây. Từ 18 tháng trở đi cây Hồng Phụng có khuynh hướng tạo tán tròn rất đẹp.
1. Đặc điểm cây Hồng Phụng
Lá Hồng Phụng: Loại cây này có lá đơn, mọc xen kẽ nhau, có màu đỏ tím rất đặc biệt, khi già lá chuyển sang màu xanh đậm pha chút tím. Lá cây Hồng Phụng có hình bầu dục, dài khoảng 2 – 6,5cm và rộng 1 – 3cm, mép lá có răng cưa nhỏ, mặt dưới của lá có lông li ti. Gân lá hơi chìm, phân bố theo hình mạng.
Hoa cây Hồng Phụng là dạng hoa đơn, lưỡng tính, nở thành từng chùm màu hồng đậm, đỏ hồng hoặc tím đỏ. Hoa thường mọc từ nách lá gần đỉnh sinh trưởng, cánh hoa nhỏ, mịn, dài từ 2 – 3cm, xẻ sâu, vươn xòe ra giống như pháo bông. Đài hoa thường có lông nhỏ li ti. Cây Huyết Phụng nở hoa quanh năm, có mùi thơm nhẹ.
Quả hồng Phụng: Thuộc dạng quả nang, màu nâu, kích thước từ 0,5 – 1cm, bên trong có hạt. Tuy nhiên, cây hoa này rất ít khi đậu quả nên cũng ít khi nhìn thấy thực tế.
Cây Hồng Phụng là dạng cây bụi thường xanh, có tốc độ sinh trưởng ở mức trung bình. Người trồng có thể khống chế kích thước của cây khi trưởng thành, chỉ cần cắt tỉa thường xuyên. Cây ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu bóng bán phần.
Giống cây này thích hợp trồng ở những nơi có khí hậu nhiệt đới, nhiệt đới gió mùa hoặc cận nhiệt đới. Nhu cầu nước của cây ở mức trung bình, dễ trồng và dễ chăm sóc. Hồng Phụng phát triển tốt nhất trên các loại đất giàu dinh dưỡng và tơi xốp.
2. Ý nghĩa cây Hồng Phụng phong thủy
Cây hoa Hồng Phụng được nhiều người chọn để trồng trong nhà, làm cảnh trong sân vườn bởi giá trị tinh thần và ý nghĩa phong thủy tốt đẹp. Hồng Phượng được xem là cây phong thủy tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy. Đồng thời, màu hồng tím đặc biệt của nó còn được xem là cát tường, đem lại may mắn, thành công và tài lộc cho người trồng.
Có nhiều bạn thắc mắc, cây Hồng Phụng hợp mệnh gì? Xét theo phong thủy Ngũ Hành, màu sắc của cây hoa này thuộc hành Hỏa. Chính vì vậy, đây là cây cảnh phong thủy rất hợp với những người mệnh Hỏa và mệnh Thổ (bởi vì Hỏa sinh Thổ).
Trồng Hồng Phượng trong nhà sẽ giúp hai mệnh này thu hút được nhiều may mắn, tài lộc, giữ vững được tài của đó. Đồng thời nó còn mang đến may mắn cho con đường công danh, sự nghiệp.
3. Cách trồng và chăm sóc cây hoa Hồng Phụng
Loại cây này khá dễ trồng, cũng không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều mà vẫn cực kỳ sai hoa.
Chuẩn bị đất trồng:
Giống hoa này không chịu được ngập nước cần trồng ở khu đấy cao ráo, mát mẻ, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp dễ hấp thu, dễ thoát nước. Nhưng cây cũng có thể trồng trên đất sét, đất chua hay đất ít phèn.
Nên chọn nơi nhiều nắng. Dù cây có thể sống trong điều kiện bán râm nhưng màu sắc cây và hoa sẽ đẹp hơn nếu nhận đủ ánh sáng mặt trời.
Về phần bón lót, bạn sẽ trộn theo tỷ lệ: 30% xơ dừa, 30% vỏ trấu, 30% phân rơm mục và 10% phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai. Trộn đều hỗn hợp và cho vào hố trồng.
Nước tưới:
Cây Huyết Phụng có nhu cầu nước trung bình, mỗi ngày bạn tưới nước cho cây 1 lần vào sáng sớm, tưới trực tiếp lên thân lá. Vào mùa mưa có thể giảm xuống 1 tuần tưới từ 3 – 4 lần. Mùa đông nên hạn chế tưới nước để giữ ấm bầu rễ.
Phân bón:
Trung bình cứ khoảng 20 ngày, bạn rải cho cây một ít phân hữu cư như HVP 301B để cây phát triển tốt, sai hoa. Giai đoạn cây Hồng Phụng đã phát triển ổn định, ra hoa tốt thì cần định kỳ bổ sung đạm và phân dưỡng lá khoảng 1 – 2 tháng/lần.
Phòng trừ sâu bệnh:
Theo chúng tôi thấy, cây Hồng Phụng rất ít khi bị sâu bệnh. Sự thay đổi của thời tiết, yếu tố môi trường, chế độ chăm sóc chưa chuẩn,… bạn nên đề phòng bệnh đốm lá, rệp và bệnh thối gốc. Khi phát hiện phải phun thuốc để phòng trị kịp thời.
Với bệnh đốm lá bạn có thể dùng thuốc COC85, mancozeb … để trừ bệnh.
Trị bệnh rệp có thể dùng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu như: Movento 150OD, Anboom 40EC, Applaud 10WP.
Cây bị thối gốc thì hãy sử dụng thuốc đặc trị Acti No Vate 1SP, Marthian 90SP và COC85,…